KARMA VÀ CHIẾN TRANH

Karma và Chiến Tranh

 

 

Chuyện xẩy ra trong thế chiến I
Nhìn theo khía cạnh nhân quả thì thế chiến I và II xóa đi nhiều trở ngại cho sự tiến hóa của người, bằng không chúng sẽ chặn nghẹt và trì hoãn tiến bộ cả mấy thế kỷ. Karma có tính vĩnh cửu, đan lẫn với những chuyện lớn lao có nhiều điều liên quan tới cá nhân, đặc biệt là những ai có thể dùng cơ hội đến với họ. Sau đây một câu chuyện về karma và cách mà chuyện rất xưa được trang trải, mang lại công bằng tuyệt đối.  

I

Ai Cập là nơi có dấu hiệu đầu tiên cho thấy tương lai mang lại nhiều việc. Trên sân của khách sạn to lớn Al-Hayat nhìn ra cảnh đẹp nhất ớ Ai Cập, âm vang của một kiếp từ xưa đến với tôi. Tôi đang ngắm cảnh trời chiều, với mắt gợi nhớ lại sự rực rỡ của những ngày mà nay chỉ còn là kỷ niệm cho ai còn nhớ, nhưng hiển hiện cho ai đọc được các lưu trữ bất hư hoại là ký ức của Thượng Đế.
Tôi nhớ lại một kiếp xa xưa không quên được nhờ cảnh trí liên hệ, làm buổi chiều tà thành quen thuộc lạ lùng. Khung cảnh xưa mà tôi biết nay đã thay đổi, và tôi nuối tiếc nhìn vào nơi khi trước là Memphis, sự vinh quang cho Ai Cập, nay chỉ còn những cây kè cành lá khẽ rung trong gió phương nam; và xa kia ở Giza, nơi đã từng là trung tâm tôn giáo của cuộc sống bên cạnh sông Nile, ba kim tự tháp nay là tàn tích có đường nét in rõ mầu tím trên nền trời mầu lục, vàng óng và tím nhạt của buổi chiều.
Mầu sắc như thế không hề có hai lần giống nhau, chỉ có vẻ đẹp là bất biến, che phủ mặt Thượng Đế. Vầng thái dương là một đĩa tròn vàng tươi, có lần là biểu tượng cho Thần Ra hùng mạnh, chìm xuống giữa hai kim tự tháp Cheops và Khephren - những tên thời nay thay thế cho tên mà chúng tôi biết ! - như rơi vào hố thẳm; sắc êm dịu phai lần. Khi ấy bên cạnh mình, tôi cảm biết như từ muôn kiếp xa vời mà nay ký ức đã quên, một ảnh hưởng mà trong nhiều năm qua có bao ý nghĩa với tôi không thể nói bằng lời.
Một cuộc trò chuyện không lời diễn ra, nghe được giữa sự chộn rộn của binh sĩ dưỡng thương chuẩn bị lên giường đi ngủ (vì lúc này là vài tháng sau cuộc đổ bộ thất bại tai hại của đồng minh ở Gallipoli, nêu một tiêu chuẩn dũng cảm mới cho thế giới, và khiến Ai Cập tràn ngập thương binh), tôi được biết những cơ duyên thúc đẩy mình phải đi sang Âu châu. Tôi được dạy rằng một karma từ quá khứ sẽ mau lẹ tới lúc chín mùi, và có thể được trang trải mang lại lợi ích cho tôi và một người khác.
Mấy năm về trước, tôi học được là không có karma ‘tốt’ hay ‘xấu’, mà tất cả karma đều là sự kết ràng, dây buộc, cho dù nó mang lại vui thú hay lợi lộc theo nghĩa tốt đẹp nhất; và chỉ có lòng xả kỷ rất mực mới có thể làm nó tan biến và khiến linh hồn được tự do. Thế nên bây giờ tôi được dạy là hãy sẵn sàng nhận lãnh phần việc của mình, và xóa trọn nó hoàn toàn như ta lau sạch vết nhơ trên mặt kính. Tôi nghe rất lặng lẽ câu chuyện được kể lại, khi những tia sáng cuối cùng của mặt trời tàn sau đồi Mokattam, nơi chúng tôi biết bằng một tên xưa mà nay đã hòa với cát bụi của bao vua chúa, được chôn cất từ nhiều thời đại đã qua.
Tôi được nghe là trong một kiếp tôi có mắc nợ. Cũng tại Ai Cập này, vào thời xa xưa và ở nơi mà nay là phế tích của đền Khons làm Karnac nổi tiếng khắp thế giới, khi tôi ở phút sắp thất bại thì người này can thiệp. Ầy là vào một nghi lễ trọng đại, mà phần của tôi là phần sinh tử cho sự thành công của lễ, tôi đã ngần ngại ở giây phút tối cần. (A, tôi vẫn còn tính chần chừ đó, làm đôi khi tôi lỡ dịp). Khi ấy, từ trong đền thờ lặng lẽ đông người có một gương mặt nổi bật, trắng trẻo và hăng hái muốn chia sẻ gánh nặng, và tư tưởng đầy thiện cảm của anh làm tôi vững mạnh và kích thích tôi, khiến cho tôi thực hiện được phần của mình tới cuối.
Chuyện tuy nhỏ nhưng nó tạo nên mối duyên còn mãi. Nhiều lần tôi học được ý là rất thường khi, chuyện nhỏ sẽ ràng buộc cá nhân lại với nhau. Nhiều người trong chúng ta  có ít cơ hội để dự vào các biến cố lớn lao của sự sống, và từ chuyện nhỏ, ta tạo nên duyên có tầm quan trọng to tát cho mình trong bước đường tương lai. Duyên nợ cá nhân thường gồm những sợi mỏng manh nhất; nhưng nếu chuyện sinh ra duyên cho ảnh hưởng vào đời sống bên trong của một ai, thì nó tạo nên một liên hệ cá nhân và sẽ kéo dài. Vậy trong trường hợp riêng của tôi, một duyên nợ đã thành…
Trong nhiều thế kỷ ở giữa kiếp khi ấy và bây giờ, anh đã phiêu bạt đó đây, vướng vào vòng luẩn quẩn, và nay anh tới thời điểm phải qua đời để cán cân công bằng trở lại sự quân bình. Tôi đã sống ở Hy Lạp, Rome, Ý … ngay cả trung Âu, nhưng chưa hề gặp anh. Tôi lờ mờ nắm được sự kiện là cái chết của anh có thể đến với chủ ý hay không chủ ý, và thái độ của anh sẽ chi phối hệ quả. Công việc của tôi, để trả lại món nợ tôi có với anh, là xếp đặt cho chắc để anh gặp cái chết của mình.

II

Gần hai năm sau đó, chúng tôi gặp nhau lần đầu ở Flanders, Bỉ. Bài này không ghi lại các trận đánh, nhưng ai dự vào trận Messines (7 tháng Sáu, 1917) hẳn sẽ nhớ sự khổ não trong những tuần lễ ta trải qua, từ tháng Sáu sang tháng Bẩy. Tôi không nhớ ngày đích xác, vì đó là lúc mà mọi ý thức về ngày tháng phai mờ đi, thành một thời gian dài của thù hận. Có lẽ đó là ngày 24 tháng 7, La Bassée Ville chưa bị thất thủ; nhà máy lọc đường vẫn còn là nơi cái chết xẩy ra hằng giờ, và triền núi Messines là địa ngục gào thét với lửa đỏ và sự đớn đau. Rồi anh bước vào đời tôi lần đầu tiên trong kiếp này.
Tôi phụ trách những toán công binh đặt dây cáp từ Zareeeba tới Septième Barn (nay, bài viết năm 1921, ta có thể nói về các địa danh này) và lính của tôi đang chịu tổn thất nặng. Chúng tôi ở ngay đằng sau chiến tuyến và hứng trọn tất cả cuộc tấn công, nên anh đến mang theo quân tăng viện để giúp việc chôn dây cáp. Chúng tôi ngồi nói chuyện trong giao thông hào như thường lệ, và bàn thảo như giữa các sĩ quan với nhau.
Tôi nghe là vừa xong dưỡng thương thì anh trở về Trung đoàn ngày hôm đó. Trong lúc anh nói, tôi thấy mình không thích anh và cảm tưởng lớn dần. Anh tỏ vẻ ngược ngạo mà tôi thấy là không có lý do để làm vậy, không đúng chỗ. Tới hừng đông, trước khi chúng tôi chia tay thì lòng ghét bỏ của tôi hóa mạnh mẽ. Người ta có thể nghĩ là ai đã biết các luật Trời hẳn không thể nào sinh ra cảm xúc đó; tôi chỉ có thể nói nhỏ nhẹ rằng sao đi nữa, tôi chưa gạt bỏ được tâm tình như thế.
Sau đó, trong cảnh tuyệt vọng của trận chiến ở sông Somme, tôi nhận ra mặt đẹp đẽ của anh. Anh có hành động khiến tôi hiểu trong thâm tâm, là anh đã làm chuyện hay hơn và gan dạ hơn nhiều. Tôi có một vật quý mà tôi sẽ luôn luôn trân trọng, là tấm hình chụp của anh, ghi ngày của trận này và câu viết:
– Tặng Jocelyn, để ghi nhớ một đêm ở vùng không thuộc về ai (No Man’s Land).
Theo kinh nghiệm tôi thấy rằng chiến tranh mang lại cho ta nhiều mối quen biết mà rất ít bạn. Nhưng khi người ta được mang lại với nhau và có thể nhận ra phẩm cách của nhau, tình bạn nẩy nở và bền bỉ hơn đồng thau.

III

Ảnh hưởng mà tôi cảm nhận ở Ai Cập nhiều lần thấy bên cạnh mình, khi chiều hướng cuộc chiến tăng dần quanh tôi. Tôi luôn luôn nhận biết là nó có đó với mình, khi tôi phải dốc toàn lực cho công chuyện trong tay. Tôi nhận ra nó như một nguồn sức mạnh có thêm khi tai họa dường như tới trước mặt chúng tôi. Thành ra khi chiến cuộc hóa nặng nề vào tháng Tám năm 1918, sự Hiện diện có đó gần như là thường trực. Sư đoàn của tôi chặn đầu trận công kích vào ngày 8, ngày đáng nhớ, với Thống chế von Ludendorff nhìn nhận đó là ngày thua trận đen tối nhất cho Đức quốc, và có nhiều sự kiện diễn ra trong trận đánh mà ngày kia có thể sẽ được thuật lại.
Quả thật tôi tin là thần thánh ở về phía chúng ta ! May mắn là lần này đường đi của những vì sao thuận lợi cho phía của ta. Tôi nhớ mơ hồ là trong bẩy ngày quân ta vượt phòng tuyến qua bên địch năm lần, giao chiến với toán chặn hậu của quân Đức đang rút lui.
Rồi hồi chót trong màn kịch của cá nhân tôi xẩy đến lẹ làng. Tôi sẽ không ghi ra nơi chốn chính xác, kẻo có người sẽ chắp nối chi tiết và tìm ra; nhưng tôi có thể nói là ở giữa Bray và Mont St. Quentin. Ai có dự trận sẽ nhớ lại trận đánh chiếm Suzanne và nơi thành bình địa của Clèry. Trong những ngày tháng kinh khủng đó, tôi được lệnh tới bộ tư lệnh Trung đoàn để nhận chức sĩ quan tình báo. Bạn tôi thì là đại đội trưởng của đại đội trấn đóng giữa đường lộ và sông.
Chúng tôi đang chiếm đóng sườn núi, và thung lũng bên dưới có tầm quan trọng khác thường, vì tin tức cho rằng quân chặn hậu của địch đóng trong thung lũng đó với nhiều súng máy, còn đoàn quân chính thì cố thủ ở sườn đối diện. Vào nửa đêm, có lệnh  tiến quân và quét sạch thung lũng trước khi trời sáng - việc chuyển quân bắt đầu lúc 2 giờ khuya.
Đại tá của chúng tôi đang ngủ, gần như chết lúc bấy giờ vì ông thức suốt chín mươi sáu tiếng không hề chợp mắt. Tôi không lòng nào đánh thức ông dậy, nên cho gọi các đại đội trưởng tới bộ tư lệnh và giải thích là họ phải làm gì. Bạn tôi do dự. Anh nói thung lũng có đầy súng máy; tiến vô đó mà không chuẩn bị có pháo binh yểm trợ là tự sát - và không thể làm vậy. Anh từ chối không đưa quân vào chỗ ấy. Tôi cho các sĩ quan khác về đơn vị để sẵn sàng, và rồi với cây viết chì tôi chỉ cho anh thấy trên bản đồ, dưới ánh đèn cầy leo lét, anh phải làm gì. Tuy cùng cấp bậc với tôi, nhưng anh thâm niên hơn một chút theo thứ bậc trong quân đội, và hóa phiền lòng với việc tôi được gọi về bộ tư lệnh và được giao địa vị cấp trên.
Tôi bảo anh là anh phải thực hiện công tác, rằng không vì cái chết của anh hay của binh sĩ dưới quyền, mà cuộc tiến công chung phải bị trì hoãn. Anh không tin và ra về. Hơn một tiếng sau anh quay trở lại nói đã đi thám sát, và rằng khu rừng trong thung lũng lềnh khênh súng máy; anh xin tôi liên lạc với bộ tư lệnh của lữ đoàn và ráng trì hoãn cuộc tiến công.
Nên tôi bảo anh là tôi có ba cách:
– Bắn anh tại chỗ rồi hô hoán là anh trúng đạn lạc.
– Giải chức chỉ huy của anh và trả anh về hậu cứ - có nghĩa là ra tòa án quân sự và có thể bị tử hình, hay bị nhục nhã còn tệ hơn tử hình.
– Hay khuyến khích anh chấp nhận rủi ro và thi hành nhiệm vụ.
Sau rốt, tôi nói với anh tốt hơn anh thế chỗ tôi lúc này, và để tôi chỉ huy lính của anh quét sạch chiến trường trước mặt. Thế rồi anh quyết định là mình sẽ thi hành nhiệm vụ. Chúng tôi bắt tay nhau - lần cuối cùng.
Trong vòng một giờ, cuộc tấn công diễn ra, khu rừng được khám phá là có rất ít súng máy như đã e ngại, và các cao điểm ở phía đối diện bị chiếm đoạt và nằm trong tay quân ta. Chuyện lạ là tổn thất về phía chúng tôi rất nhẹ, hai sĩ quan và tám binh sĩ. Một sĩ quan là tôi bị thương nặng do vỏ đạn bay ngang qua, và được mang tới bệnh viện ngay khi bắt đầu cuộc tấn công, còn sĩ quan kia - bạn tôi - thiệt mạng một giờ sau vì đạn lạc, trong lúc dẫn đầu lính của anh. Sự việc chấm dứt như thế.
Chuyện là thật như vậy mà không cần thêm bớt để làm gay cấn, đó là một sự kiện trong thời chiến có ý nghĩa sâu xa của nó. Ai có cái nhìn rõ ràng có thể thấy xa hơn những điều tôi viết, nhưng cho tôi thì câu chuyện khiến tôi thấy, là karma luôn chực hờ để nắm lấy mọi cơ hội nào sẽ ảnh hưởng ta, và chúng ta luôn ngày tới gần hơn mục đích là được tự do thoát hết ràng buộc.

Jocelyne Underhill
Karma in War Time
The Theosophist, July 1921, p. 386 - 393

Xem bài có liên quan